image banner
TOÀN NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CÀ MAU HƯỞNG ỨNG NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA (10/10/2024) VỚI CHỦ ĐỀ "PHỔ CẬP HẠ TẦNG SỐ VÀ SÁNG TẠO ỨNG DỤNG SỐ ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ - ĐỘNG LỰC MỚI CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ NĂNG XUẤT LAO ĐỘNG"
Thống kê truy cập
  • Đang online: 32
  • Hôm nay: 2,611
  • Trong tuần: 17,048
  • Tất cả: 3,941,458
Tăng cường giáo dục truyền thống cho học sinh
Lượt xem: 367
Xác định giáo dục truyền thống là một trong những nội dung quan trọng trong việc phát triển toàn diện nhân cách, phẩm chất của học sinh, do đó, trong những năm vừa qua, nhiều trường học trên địa bàn huyện Cái Nước đã tổ chức các chuyến về nguồn, tham quan “địa chỉ đỏ” trong và ngoài huyện, qua đó khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện của thế hệ trẻ.

Trên địa bàn huyện Cái Nước hiện nay có nhiều di tích lịch sử văn hóa như:  Khu di tích Lung Lá - Nhà Thể thuộc ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. Đây chính là khu nhà riêng của đồng chí Trần Văn Thời, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (nay là Bạc Liêu và Cà Mau), căn cứ hoạt động cách mạng của Tỉnh ủy thời kháng chiến chống Pháp; Khu căn cứ Tỉnh đội Xẻo Trê (1964 – 1973) có diện tích 2.343m2, tọa lạc tại ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ; Căn cứ Huyện ủy Cái Nước (ấp Cái Chim xã Trần Thới), đây là những “địa chỉ đỏ” rất thích hợp để giáo dục truyền thống cho các em.

Nhiều năm nay, nhiều trường học đã tổ chức phối hợp với các đơn vị liên quan như Huyện Đoàn, Hội Cựu chiến binh huyện Cái Nước đã có nhiều hoạt động thiết thực để giáo dục học sinh về truyền thống thông qua di tích lịch sử. Bằng nhiều phương thức và sáng tạo đổi mới như: đưa học sinh đến tham quan hoặc đưa các tư liệu, hình ảnh về di sản văn hóa đến giới thiệu tại các trường; dưới sự hướng dẫn của giáo viên, cán bộ khu di tích học sinh có thể làm bài thu hoạch và trình bày trước lớp, qua đó khuyến khích sự sáng tạo, tích cực chủ động học tập cũng như rèn luyện kỹ năng thuyết trình; hay tổ chức các buổi ngoại khóa, triển lãm lưu động để quảng bá, giới thiệu hệ thống các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng cho học sinh trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu thông qua thuyết minh trực tiếp, xem phim tư liệu, nói chuyện chuyên đề...

anh tin bai

Học sinh tham gia hành trình giáo dục truyền thống tại khu căn cứ Tỉnh ủy Lung Lá - Nhà Thể

Thông qua các chuyến đi, các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh đều có những phản hồi tích cực. Các em thêm yêu thích lịch sử, truyền thống dân tộc; có nguyện vọng được đi tham quan tìm hiểu những "địa chỉ đỏ", những di tích lịch sử để trau dồi kiến thức cho bản thân, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước. Nhiều em cảm thấy vui, thú vị, hứng thú hơn trong việc tìm hiểu về lịch sử của đất nước. Đây chính là cách làm hay nhằm giúp học sinh đến gần hơn với lịch sử tại nơi mình sinh sống.

Việc giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản văn hóa sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn; đồng thời góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các truyền thống và giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

 

Tác giả: Hoàng Nên