Trong lịch sử giáo dục nước ta, Chu Văn An đã được các triều đại
phong kiến và nhân dân dành cho địa vị cao quí bậc nhất. Trần Nguyên Đán đánh
giá đạo học của ông cao như Bắc Đẩu, Thái Sơn, có khả năng làm cho phong tục trở
lại thuần hậu, chính sự và giáo hoá được đổi mới. Sử gia Phan Huy Chú ngợi ca Chu
Văn An: "học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt
trước sau chỉ có mình ông, các ông khác không thể so sánh được". Người dân
nước Việt Nam đã bao đời đều tôn vinh ông là “Vạn thế sư biểu” - Người thầy của
muôn đời.
Còn 48 năm nữa là tròn một ngàn
năm Văn Miếu – Quốc Tử Giám!
Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 dưới thời vua Lý
Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, các bậc Hiền triết của Nho giáo. Năm 1370, khi Quốc Tử Giám Tư nghiệp Chu Văn An người Thầy đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam qua đời, Vua Trần Nghệ Tông cho thờ ông ở Văn Miếu, bên cạnh
Khổng Tử.
Quốc Tử Giám được xây dựng năm 1076 dưới triều vua Lý
Nhân Tông, là trường Đại học đầu tiên ở nước ta, là trung tâm đào tạo nhân tài
cho đất nước.
Từ
bao đời nay, nơi đây được coi là một biểu tượng của sự trường tồn tinh hoa văn
hóa, giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo, khuyến đức, khuyến tài của dân tộc
Việt Nam.
Một
trong những di tích nổi tiếng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám là 82 Bia Tiến sĩ,
ghi họ tên, quê quán của 1307 vị Tiến sĩ của 82 khoa thi từ 1442 - 1779 gồm 81
khoa triều Lê và 1 khoa triều Mạc.
Bia
Tiến sĩ khắc trên loại đá màu xanh, kích thước không đều nhau được chạm khắc
hoa văn tinh xảo, đặt trên lưng rùa. Rùa là một trong bốn linh vật: Long, Ly,
Qui, Phượng. Rùa sống lâu, có sức khỏe nên việc đặt bia Tiến sĩ trên lưng rùa
đá thể hiện sự tôn trọng hiền tài và trường tồn mãi mãi.
Tấm bia cổ nhất được dựng
năm 1484 về khoa thi năm 1442, nội dung bài văn bia do Đông các đại học sĩ Thân
Nhân Trung soạn, trong đó có đoạn:
Hiền tài là nguyên khí Quốc
Gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước
kém và suy, cho nên các thánh Đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng
nhân tài, vun trồng nguyên khí.
Đây được coi như tuyên ngôn
về giáo dục không phải chỉ cho Thế kỷ XV mà còn cho mọi thời đại, nhất là ngày
nay khi bảo vệ và phát triển đất nước luôn cần trí tuệ, khoa học kỹ thuật và
công nghệ.
Với những giá trị có một không hai,
82 Bia Tiến Sỹ Tại Văn Miếu – Quốc Tử Gíam được UNESCO công nhận là
Di Sản Tư Liệu Thế Giới năm 2012. Năm 2015 Thủ Tướng Chính Phủ công nhận Văn
Miếu – Quốc Tử Gíam là Di Tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc Gia. Bia tiến sĩ là
bảo vật quốc gia.
Một
trong những gương mặt nổi bật gắn liền với Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Thầy giáo
Chu Văn An thời Trần.
Chu
Văn An (1292- 1370) nổi tiếng là một người cương trực, sửa mình trong sạch, giữ
tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách và dạy học. Rất nhiều học trò
nhờ sự dạy dỗ của thầy giáo Chu Văn An, mà đỗ đạt, đóng góp nhiều công sức cho
dân, cho nước như: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát... Tương truyền có tới hơn 3.000 người trưởng
thành dưới mái trường của Chu Văn An, điều đó chứng tỏ uy tín và đạo đức của thầy.
Uy tín ấy vượt ra khỏi cả sự lưu truyền trần thế, khiến cho vua Thủy Tề cũng phải
gửi con theo học (theo truyền thuyết)
Theo sử sách các đời sau ghi lại, Chu Văn An là một nhà sư phạm mẫu
mực, đó là “làm Thầy phải nghiêm”. Sách “Tam tự kinh” - loại sách “khai tâm” của
học trò xưa có câu: “Giáo bất nghiêm, sư chi nọa” (Dạy không nghiêm, đạo thầy hỏng).
Nghiêm không phải là dữ đòn để cho học trò sợ, mà đối với Chu Văn An, “nghiêm”
là thái độ nghiêm trang, mẫu mực trong giáo dục, là việc giảng dạy chặt chẽ, có
quy cũ, kỷ cương.
Đại Việt sử kí toàn thư viết: “Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc
trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn,
nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy”. Sự nghiêm nghị, tiết tháo,
thanh cao của Chu Văn An đã thực sự là tấm gương lẫm liệt tỏa sáng cho học trò
noi theo. Ảnh hưởng từ tấm gương thực tiễn của ông đối với trí thức đương thời
là rất lớn.
Đức độ, tài năng của ông nức tiếng gần xa, bởi thế vua Trần Minh
Tông đã mời ông làm Tư nghiệp ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám - một chức lãnh đạo
ngôi trường cấp cao nhất (Trường Đại học) nước ta thời ấy.
Có lẽ Chu Văn An là người duy nhất trong thời phong kiến
không đỗ đạt cao trong các cuộc thi của triều đình mà chủ yếu do
việc tự học, tự dạy học và danh tiếng tài năng đức độ của thầy mà được triều
đình mời ra làm quan. Chức quan trông coi việc Quốc học, Quốc giáo, trong đó có
tương lai ngôi báu của triều đại nhà Trần lúc bấy giờ.
Đến đời vua Trần Dụ Tông, chính sự thối nát, nhà vua chơi bời
phóng đãng, dung túng bọn gian thần. Sau nhiều lần can ngăn vua không được, Chu
Văn An đã dâng sớ xin chém bảy kẻ quyền thế nịnh thần (“Thất trảm sớ”). Nhà vua
không nghe, ông bèn "treo mũ ở cửa Huyền Vũ" từ quan về quê dạy học.
Chu Văn An viết nhiều tác phẩm: Quốc ngữ thi tập (chữ Nôm); Tiều Ẩn
thi tập (chữ Hán); Tứ thư thuyết ước; Y học yếu giải tập chu di biên. Khi
vua Trần Nghệ Tông lên ngôi, sai người đến mời ông ra giúp chính sự, ban chức
tước nhưng ông không nhận.
Khi Chu Văn An mất, nhà Trần đã dành cho ông một vinh dự bậc nhất
đối với một trí thức. Đó là được thờ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi trước
kia chỉ thờ Khổng Tử, ông tổ đạo Nho và một số ít nhà hiền triết.
Trong lịch sử giáo dục nước ta, Chu Văn An đã được các triều đại
phong kiến và nhân dân dành cho địa vị cao quí bậc nhất.
Trần Nguyên Đán đánh giá đạo học của ông cao như Bắc Đẩu, Thái
Sơn, có khả năng làm cho phong tục trở lại thuần hậu, chính sự và giáo hoá được
đổi mới.
Sử gia Phan Huy Chú ngợi ca Chu Văn An: "học nghiệp thuần
túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông, các
ông khác không thể so sánh được".
Người dân nước Việt Nam đã bao đời đều tôn vinh ông là “Vạn
thế sư biểu” - Người thầy của muôn đời.
Ngày 11/3/2003, thành phố Hà Nội đã khởi công đúc tượng đồng 4
danh nhân văn hóa là: Vua Lý Thánh Tông, Vua Lý Nhân Tông, Vua Lê Thánh Tông và
Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An để thờ tự trong nhà Thái Học là những người
có công sáng lập Văn Miếu-Quốc Tử Giám và phát triển nền văn hoá giáo dục Việt
Nam./.