Hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, phòng, chống tội phạm ở trẻ em trong nhà trường.
Thứ Năm, 06/02/2025 07:52 GMT+7
Những năm gần đây, tình trạng phạm tội ở lứa tuổi
thanh, thiếu niên, học sinh có chiều hướng gia tăng, khiến dư luận xã hội băn
khoăn, lo lắng. Trước thực trạng đó, ngành GD&ĐT tỉnh tích cực đưa nội
dung tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, phòng, chống tội phạm ở trẻ em vào
nhà trường.
Ngay từ bậc học mầm non, các nhà trường đã đẩy mạnh
giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, giúp các em hình thành ý thức tốt, có lối sống
chan hòa, tích cực. Đối với bậc học mầm non, do đối tượng học sinh còn nhỏ nên
nội dung giáo dục về pháp luật đơn giản, phù hợp với khả năng nhận thức của các
em. Giáo viên luôn coi trọng giáo dục cho các em về ý thức không đánh nhau với
bạn, không nói tục, chửi bậy; luôn thật thà, lễ phép, nghe lời thầy cô, ông bà,
bố mẹ, anh chị.
Đối với các trường trung học, công tác phổ biến, giáo
dục về pháp luật, phòng ngừa tội phạmcho học sinh được thông qua nhiều hình
thức đa dạng, phong phú như: Kể chuyện pháp luật; xây dựng các tiểu
phẩm, sân khấu hóa, xem hình ảnh, phim tư liệu; tổ chức các hoạt động
ngoại khóa, tạo điều kiện cho các em được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh
nghiệm sống; lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật trong các
môn học, đặc biệt, trong giờ sinh hoạt lớp; tổ chức các sân chơi trí tuệ, các
hoạt động vui chơi lành mạnh thu hút học sinh tham gia; tuyên truyền về những
vụ bạo lực học đường, vi phạm giao thông, vi phạm pháp luật đã xảy ra nhằm giúp
học sinh nhìn nhận một cách nghiêm túc các hành vi sai trái, phạm tội...
Về phía giáo viên chủ nhiệm, chủ động nắm bắt, tìm
hiểu tâm tư, tình cảm của từng học sinh trong lớp để tư vấn, giải quyết những
khúc mắc ở lứa tuổi dậy thì cho các em, đồng thời, kịp thời uốn nắn những học
sinh nghịch ngợm, cá biệt, có hành vi chưa nghiêm túc…
Để giúp học sinh không bị lôi kéo, sa ngã vào các tệ
nạn xã hội, không có hành vi vi phạm pháp luật, trở thành tội phạm, các trường
cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh. Nhà trường chỉ đạo
cán bộ, giáo viên lồng ghép nội dung giáo dục về pháp luật trong các bộ môn; tổ
chức các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, diễn kịch
về phòng, chống bạo lực học đường, phòng chống tham nhũng…; xây dựng tủ sách
pháp luật và khuyến khích học sinh tham gia tìm hiểu về tủ sách pháp luật; xây
dựng nội quy và có hình thức kỷ luật nghiêm đối với những học sinh vi phạm.
Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức
năng như: Công an phường Hội Hợp, các trung tâm về giáo dục kỹ năng sống cho
học sinh… tổ chức các buổi nói chuyện với học sinh về vấn đề liên quan đến pháp
luật, rèn kỹ năng sống…
Có thể thấy, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật của nhà trường đã trang bị những kiến thức cơ bản về pháp
luật phù hợp với lứa tuổi của học sinh; giúp các em phân biệt được đúng sai,
xác định được các hành vi vi phạm pháp luật để không mắc phải và mạnh dạn đấu
tranh loại bỏ các hành vi phạm tội. Tuy nhiên, để công tác ngăn ngừa phạm tội ở
trẻ em đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần có sự phối hợp tích cực từ gia đình, nhà
trường và xã hội, giúp trẻ em được phát triển toàn diện, trở thành những công
dân tốt.
Mạnh Thắng