Ở bậc mầm non và phổ thông, có lẽ tự chủ trong
dạy học mới là yếu tố căn cốt nhất trong bối cảnh hiện nay.
Giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền
vững, là chìa khóa mở ra tương lai thịnh vượng, thái bình của một quốc gia.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục Việt Nam
cũng như nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ,
đồng thời thuật ngữ đổi mới sáng tạo (innovation) đã trở
thành “từ khóa” của kỉ nguyên giáo dục mới.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều giải
pháp được đưa ra hay đề xuất như tăng lương giáo viên, điều chỉnh quy định
về dạy thêm học thêm, hay thay đổi phương thức
thi cử… để cố gắng thay đổi, nhưng dấu hiệu chuyển biến tích cực vẫn chưa đáng
kể.
Nguyên nhân sâu xa hay “điểm nghẽn” có lẽ nằm
ở cách thức quản lí và tổ chức dạy học, cụ thể hơn là giáo viên chưa thực sự tự
chủ trong dạy học.
Khi giáo viên không thể sáng tạo, không được
khuyến khích đổi mới và không tìm thấy niềm vui trong công việc, họ khó lòng
truyền cảm hứng cho học sinh.
Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề gốc rễ này,
cần tập trung đầu tư đào tạo và bồi dưỡng giáo viên một cách toàn diện,
giúp họ thấu hiểu triết lý giáo dục, thành thạo nghiệp vụ, vững vàng chuyên môn
và rèn giũa đạo đức nghề nghiệp; tiếp đó phải là môi trường học đường ở nhà
trường phải thông thoáng, lành mạnh để giáo viên được “hành nghề” đúng nghĩa.
Bên cạnh đó, chế độ chính sách dành cho giáo
viên phải được đảm bảo, cơ chế giám sát phải được thực thi nghiêm túc và chế
tài đối với những hành vi cản trở đổi mới cũng như hạn chế dân chủ trong học
đường phải được thực thi nghiêm minh.
Các nút thắt được tháo gỡ thì giáo dục Việt
Nam mới đảm bảo thực chất, thực học, thực nghiệp, thực tài và quốc gia thịnh
vượng, thái bình bền lâu.
Tự chủ trong dạy học
Tự chủ là thuật ngữ được dùng phổ biến trong
giáo dục và đào tạo trong suốt 10 năm qua, nhưng chủ yếu vẫn là tự chủ đại học và điểm nhấn vẫn là tự chủ tài chính.
Vấn đề này cũng đã có tác động tích cực đối
với giáo dục đại học nhưng căn bản vẫn cần đồng bộ và đúng bản chất hơn là chú
tâm đến cắt giảm đầu tư công trong giáo dục đại học.
Ở bậc mầm non và phổ thông, có lẽ tự chủ trong
dạy học là yếu tố căn cốt nhất trong bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, tự chủ là điều kiện tiên quyết cho sáng tạo: Tự
chủ trong giáo dục không chỉ là quyền tự do trong vận dụng phương pháp giảng
dạy, mà còn là khả năng giáo viên tự định hướng, quyết định và chịu trách nhiệm
trước kết quả giáo dục.
Một giáo viên có quyền tự chủ sẽ dám thử
nghiệm những phương pháp mới, thiết kế bài giảng sáng tạo và giải quyết các vấn
đề trong lớp học theo cách phù hợp nhất với học sinh của mình.
Ở các quốc gia như Phần Lan, Nhật Bản hay
Singapore,… giáo viên được trao quyền tự chủ rất cao trong việc thiết kế chương
trình học. Điều này không chỉ giúp họ phát huy tối đa năng lực mà còn tạo động
lực để họ cống hiến và gắn bó với nghề.
Thứ hai, truyền cảm hứng là nhiệm vụ quan trọng nhất
của người thầy: Học sinh chỉ có thể đam mê học tập nếu người thầy
thực sự đam mê dạy học.
Khi giáo viên bị bó buộc trong những quy định
cứng nhắc, phải chạy theo thành tích hoặc chịu áp lực từ xã hội, họ khó có thể
tìm thấy niềm vui trong công việc.
Tự chủ trong dạy học không chỉ giúp giáo viên
thoát khỏi những ràng buộc, mà còn cho phép họ truyền tải kiến thức một cách
sinh động, gần gũi và hấp dẫn hơn.
Một số bất cập cần tháo gỡ
Thứ nhất, về căn bản vẫn chưa có sự thống nhất
và cùng thấu hiểu “triết lý giáo dục”. Vấn đề này đã đặt ra, đã bàn nhưng chưa thấu
cùng.
Triết lý giáo dục không chỉ là kim chỉ nam cho
hệ thống giáo dục mà còn là nền tảng giúp giáo viên định hướng và thực hiện tốt
công việc của mình. Tuy nhiên, một vấn đề lớn từng đặt ra nhưng chưa đi đến
cùng tận để đúc rút ra từ gốc rễ, bản chất.
Triết lý giáo dục đôi khi vẫn còn mơ hồ trong
nhiều giáo viên và vì vậy thực tế giáo viên chỉ dạy kiến thức của từng môn học
mà chưa có kết nối với nhau cũng như chưa thấu cùng văn hóa Việt.
Cũng có người làm nghề dạy học nhưng chưa thực
sự hiểu rõ vai trò của giáo dục trong việc hình thành nhân cách, tư duy và kĩ
năng sống đối với học sinh.
Từ đó thầy giáo xem thành tích thi cử của học
sinh là thành tựu của mình và chính ngành giáo dục.
Thứ hai, kĩ năng nghiệp vụ và chuyên môn sâu
của giáo viên vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Có lẽ không phải là số ít, giáo viên nghĩ đã là thầy thì
chỉ đi dạy và không chịu học.
Trong khi xã hội thay đổi nhanh chóng, công
nghệ phát triển, kĩ năng sư phạm hiện đại cũng đòi hỏi nhiều hơn nhưng nhiều
người không cập nhật và không chịu thích ứng với sự thay đổi.
Có thầy xem giỏi chuyên môn như kiến thức sâu,
biết nhiều “mẹo” đã là “vĩ đại”, nhưng thực sự chưa biết cách tổ chức lớp học,
không ứng dụng được công nghệ thông tin, hoặc không xử lí được các tình huống
sư phạm một cách hiệu quả.
Thứ ba, đạo đức nghề nghiệp chưa được chú
trọng đúng mức.Có thể nói dù không
đồng đều, phần lớn giáo viên đã theo nghề là tận tụy với nghề, cố gắng gìn giữ
đạo đức, làm gương cho học trò và cả xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những trường hợp vi
phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của ngành giáo
dục. Dù không nhiều, nhưng hình ảnh người "thầy" không có tư cách mà
vẫn lên lớp, rao giảng… thì với giáo dục đó là thất bại.
Một vài gợi mở để hóa giải
Một là, vấn đề căn cốt cho một nền giáo dục của một
quốc gia vẫn là đầu tư nghiên cứu, củng cố triết lý giáo dục gắn với vấn đề
quốc học.
Đầu tư nghiên cứu, củng cố, hoàn thiện là việc
lâu dài, bài bản. Tuy nhiên, trước mắt, triển khai bồi dưỡng những nội dung liên
quan đến triết lý giáo dục cho giáo viên là cần thiết.
Chẳng hạn như tập trung làm rõ các giá trị
nhân văn, khai phóng, lấy người học làm trung tâm, cơ sở nền tảng văn hóa Việt
và tư tưởng giáo dục của người Việt.
Giáo viên cần được truyền cảm hứng và hiểu rõ
ý nghĩa sâu xa của nghề giáo, từ đó xây dựng niềm tin vào sứ mệnh của mình.
Khi thấu hiểu luân lí chức nghiệp, giáo viên
hành nghề tự tin hơn và vững vàng trước mọi biến chuyển của thời thế.
Hai là, nâng cao nghiệp vụ và cập nhật chuyên môn là
việc làm thường xuyên của tất cả giáo viên. Người thầy là người dạy nhưng trước
hết phải là người biết học và ham học.
Trong bối cảnh hiện nay, giáo viên cần phải
biết ứng dụng công nghệ trong dạy học và định hướng sáng tạo cho người học.
Tổ chức lớp học cũng là kĩ năng quan trọng, do
vậy các khóa bồi dưỡng hướng dẫn giáo viên thiết kế bài giảng hấp dẫn, quản lí
thời gian hiệu quả và tạo môi trường học tập tích cực cũng rất cần thiết.
Ngoài ra, giáo viên cần được khuyến khích tham
gia các hội thảo, hội nghị chuyên môn và chương trình đào tạo nâng cao để luôn
bắt kịp với xu thế mới…
Giáo viên mầm non và phổ thông là những người
cần có sự gắn kết với các trường đại học sư phạm, để cùng nghiên cứu, cùng cập
nhật và cùng sáng tạo tri thức, đồng thời là những người tư vấn, tham mưu chính
sách với ngành và địa phương. Để các chính sách sát với thực tế và thực thi
hiệu quả.
Ba là, đạo đức nghề nghiệp cần quan tâm nhiều hơn và phải đề cao
bậc nhất. Đạo đức nghề nghiệp không chỉ là trách nhiệm mà còn là “kim chỉ nam”
cho mọi hành động của giáo viên.
Bồi dưỡng, truyền thông về luân lý chức nghiệp
để giáo viên và cả xã hội thấu hiểu, để cùng gìn giữ phẩm chất, chuẩn mực đạo
đức, đặc biệt là trong mối quan hệ với học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp.
Bên cạnh đó cũng cần phải có cơ chế giám sát
việc thực thi, có chế tài mạnh xử lí các hành vi làm ảnh hưởng đến phẩm giá của
nhà giáo, để nhà giáo luôn chuẩn mực trong công việc và cuộc sống. Khi đó, xã
hội sẽ tốt đẹp và chất lượng giáo dục sẽ thay đổi tích cực.
Bốn là, chế độ đãi ngộ hợp lý đối với nhà giáo cần
phải được thực thi. Để giáo viên toàn tâm toàn ý với nghề, rất cần
chế độ đãi ngộ hợp lí, đó cũng là yếu tố đầu tiên liên quan đến quan điểm xuyên
suốt của Nhà nước về trọng dụng người tài và xem trọng giáo dục.
Nhà nước cần xây dựng chính sách lương, thưởng
và các phúc lợi phù hợp, đảm bảo đời sống của giáo viên như tinh thần của Nghị quyết 29 đã ban hành.
Năm là, cần có cơ chế giám sát minh bạch. Hệ
thống giám sát và đánh giá giáo viên công bằng, minh bạch, dựa trên hiệu quả
công việc và sự hài lòng của học sinh là rất cần thiết trong nhà trường; đồng
thời cũng phải giám sát cả các bên có liên quan để đảm bảo các chủ trương,
đường hướng và pháp luật được thực thi đúng.
Đồng thời, cũng cần có các chế tài đủ mạnh, xử
lí nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp hoặc không
hoàn thành nhiệm vụ cũng như đối với những bên liên quan làm tổn hại đến nhà
giáo và ngành giáo dục.
Sáu là, cần xây dựng môi trường làm việc tích cực. Môi
trường làm việc có tác động rất lớn đến chất lượng dạy học.
Các trường học cần tạo điều kiện để giáo viên
có thể làm việc trong một không gian thoải mái, hỗ trợ lẫn nhau và không chịu
áp lực từ thành tích hay cạnh tranh không lành mạnh.
Cơ sở vật chất, cảnh quan cần quan tâm đầu tư
đảm bảo an toàn, thẩm mĩ và mang tính giáo dục ngay từ những chi tiết nhỏ. Đó
là cảm hứng để lao động, học tập và gìn giữ tâm hồn tươi đẹp mỗi ngày.
Đổi mới giáo dục là một hành trình tiến hóa
liên tục, không ngừng nghỉ, do vậy đòi hỏi cần sự chung tay của toàn xã hội.
Tuy nhiên, gốc rễ của mọi vấn đề vẫn nằm ở đội ngũ giáo viên.
Khi giáo viên được tự chủ trong dạy và học,
được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng và đạo đức nghề nghiệp, họ trở thành
nguồn cảm hứng vô tận cho học sinh và là nhân tố quyết định sự thành công của
nền giáo dục.
Đầu tư vào giáo viên không chỉ là đầu tư vào
hiện tại mà còn là đặt nền móng cho tương lai. Vì vậy, chúng ta cần tập trung
giải quyết các điểm nghẽn từ gốc rễ, để giáo dục Việt Nam có thể vươn lên tầm
cao mới, sánh vai cùng các quốc gia phát triển trên thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh (Trường Đại
học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng)