Trong giờ học địa lý của thầy và trò Trường THPT Thới
Bình, với sự hỗ trợ của máy chiếu, giáo viên giới thiệu cho các em những hình
ảnh sinh động về tài nguyên thiên nhiên, vị trí biển đảo quê hương rồi đặt ra
những câu hỏi tình huống yêu cầu học nhận xét, đánh giá. Những hình ảnh sắc nét
về đất đai, biên giới lãnh thổ…đã cuốn hút học sinh, tạo nên bầu không khí học
tập sôi nổi. Từng nhóm thảo luận, hào hứng trình bày nội dung từ sự gợi ý của
giáo viên. Bốn lăm phút của tiết học trôi đi thật nhanh, kiến thức địa lý đến
với học sinh một cách nhẹ nhàng, sinh động. Thầy Quách Thành Phương, giáo viên
giảng dạy môn địa lí cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy
đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng giờ học. Với sự hỗ trợ của máy chiếu,
những hình, nội dung bài học được trình chiếu lên bảng với đầy đủ màu sắc, rất
sinh động, cuốn hút được học sinh.
.JPG)
Là trường tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông
tin vào giảng dạy, trong một học kỳ Trường THPT Thới Bình yêu cầu mỗi giáo viên
phải có hai tiết thao giảng, trong đó có ít nhất một tiết có ứng dụng công nghệ
thông tin. Thầy Hoàng Văn Sum, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hầu hết
giáo viên nhà trường đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy,
coi đây là thiết bị giáo dục mang lại hiệu quả mỗi bài giảng. Đồng thời, hàng
năm nhà trường đều tổ chức các buổi hội thảo đổi mới phương pháp dạy học, trong
đó chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Hiện nay, nhà
trường có 2 phòng ứng dụng công nghệ thông tin, 5 máy chiếu và 5 máy tính xách
tay cơ động để giáo viên có thể sử dụng trực tiếp trên lớp, đã đáp ứng đủ nhu
cầu dạy và học.
Không chỉ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào
giảng dạy tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ cho công tác dạy và học, nhiều trường
học trên địa bàn huyện Thới Bình còn ứng dựng vào công tác đổi mới quản lý giáo
dục. Thầy Báo Trung Thành, phó hiệu trường THPT Tân bằng cho biết: “Việc quản
lý, theo dõi chất lượng học tập của học sinh của nhà trường đều thông qua mạng
internet. Hàng tháng, giáo viên cập nhật điểm bộ môn gửi qua email để lãnh đạo
theo dõi, quản lý. Đồng thời, phụ huynh học sinh khi cần, lên mạng cập nhật qua
chương trình quản lý của nhà trường có thể theo dõi được tình hình học tập của
con em mình để có hướng điều chỉnh, giáo dục”.
Từ khi ứng dụng công nghệ thông tin, công tác quản lý,
cập nhật văn bản, thông tin, báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện cũng trở nên
nhanh chóng, dễ dàng hơn và tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn. Bởi trước đây,
mỗi lần gửi công văn, kế hoạch cho các trường, Phòng phải cử người chạy xe đến
từng trường, trong khi đó, nhiều trường cách huyện hàng chục km, rất khó khăn. Bây
giờ chỉ cần gửi qua email là đến tất cả các trường, vừa nhanh, lại không tốn
kém.