Chụp ảnh kỷ yếu để lưu giữ lại những ngày tháng cuối
của thời học sinh – sinh viên có thể xem là một nét đẹp trong văn hóa học
đường. Tuy nhiên, khi phong trào này ngày càng rộ lên đã nảy sinh không ít
những bất cập khiến cho giá trị và ý nghĩa của nó bị mai một đi nhiều.
Sau vụ việc hai học sinh ở Nghệ An bị sóng biển cuốn
trôi khi đang chụp ảnh kỷ yếu và nhiều câu chuyện đau lòng, lùm xùm liên quan
đến việc chụp ảnh kỷ yếu cuối năm của học sinh sinh viên thời gian qua, đã đến
lúc những câu chuyện tưởng như chỉ là sở thích của con trẻ cần được người lớn
nghiêm túc quan tâm.
Việc lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ của tuổi học trò là
việc nên làm, nhưng cách thức làm như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, điều
kiện của tuổi học trò là điều đáng quan tâm và cần người lớn định hướng cho các
em.
Như hiện nay, việc chụp ảnh kỷ yếu vừa tốn thời gian
của các em lại nảy sinh những mâu thuẫn không đáng có ở tuổi học trò. Để có
những bộ ảnh độc đáo các em đã phải lên ý tưởng trước hàng tháng, chọn địa điểm
và bỏ ra không ít thời gian. Việc dành cả ngày chụp, di chuyển nhiều địa điểm,
tạo nhiều bối cảnh cũng khiến không ít em thấy mệt mỏi. Trong khi đó đây là lúc
cao điểm ôn thi của học sinh – sinh viên cuối cấp.
Vấn đề an toàn trong đi lại và an toàn tại các
điểm chụp ảnh cũng là câu chuyện không thể không đề cập. Xu hướng hiện nay
các em thường chọn chụp ngoại cảnh, nhiều địa điểm phải di chuyển khá xa. Một
số lớp có điều kiện hơn thì góp tiền thuê xe còn lại để tiết kiệm chi phí, các
em thường tự túc đi lại. Đối với học sinh THPT và THCS, việc di chuyển xa như
vậy rất thiếu an toàn. Nhất là khi các em thường tụ tập thành nhóm, đi xe đạp
điện, dàn hàng ngang và vừa đi vừa trò chuyện trên đường.
Đặc biệt, điều quan trọng nhất là giữ cho được ý
nghĩa, giá trị tốt đẹp, trong sáng của việc chụp ảnh kỷ yếu. Hiện nay, dường
như các em ít quan tâm hơn đến điều đó mà chỉ mong có được bộ ảnh đẹp, tạo nên
thương hiệu cho lớp mình. Thậm chí chỉ là để có những tấm ảnh nhận được nhiều
like hay chia sẻ trên mạng xã hội. Không ít trong số đó là chạy theo phong
trào, mang tâm lý hơn thua giữa lớp này với lớp khác, trường này với trường
khác. Tâm lý này cũng đã dẫn đến những “sáng tạo” không giống ai, những bộ ảnh
phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục mà thời gian qua dư luận cả nước đã bàn
tán. Tôi nhớ trước đây, chúng tôi chỉ có những máy ảnh cá nhân. Gần cuối năm
học, lớp tranh thủ tiết trống tụ tập lại chụp ảnh cùng thầy cô trong khuôn viên
trường. Đơn giản vậy cũng vui và đẹp lắm. Nếu là để gắn kết, lưu giữ kỷ niệm
những ngày tháng học cùng nhau, thiết nghĩ chỉ cần thế thôi cũng là đủ. Các em
ngày nay có điều kiện hơn, có thể đầu tư hơn song tốn kém như những gì chúng ta
thấy hiện nay có lẽ là không nên. Việc thuê thợ chụp kỷ yếu nên chăng chỉ tiến
hành ở cuối đại học hoặc cùng lắm là THPT, đối với THCS là không cần thiết. Hơn
nữa, không phải trong một lớp ai cũng có điều kiện kinh tế như nhau. Việc bỏ ra
mấy trăm nghìn với em này là chuyện nhỏ nhưng với em khác có khi lại không đơn
giản. Chưa kể đến dịp này gia đình các em còn phải lo rất nhiều loại chi phí
khác cho vấn đề thi cử, lễ trưởng thành, prom cuối khóa,..
Để các em có cách nhìn đúng đắn, cư xử đúng mực với
việc chụp ảnh kỷ yếu, rất cần có sự định hướng của các thầy cô, các bậc cha mẹ,
người lớn, nếu có thể, nhà trường cần có những qui định rõ ràng về việc này.
Các lớp, tập thể (đặc biệt là học sinh cuối cấp) muốn chụp ảnh kỷ yếu cần phải
có kế hoạch với nhà trường, ban phụ huynh và có người lớn cùng giám sát để
tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra với các em.