Theo thầy Nguyễn Đức Minh, hiệu trưởng Trường THPT
Tân Bằng, để công tác giáo dục đạo đức học sinh đạt
nhiều hiệu quả cần phải tăng cường vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên
chủ nhiệm phải theo dõi sát sao, tình hình của lớp, từng đối tượng học sinh;
trên cơ sở đó phân loại theo từng đối tượng học sinh ngay từ đầu năm theo: Học
sinh theo lứa tuổi; Học sinh ở trọ; Học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn; Học
sinh cá biệt về đạo đức, học tập…để tìm ra những biện pháp giáo dục phù hợp. Trong
các buổi sinh hoạt lớp hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm đáng giá tổng tình hình
hoạt động của lớp trong tuần; nêu rõ ưu, khuyết điểm của từng học sinh; những
đề xuất tuyên dương, khiển trách phê bình…

Giáo dục đạo đức trong
nhà trường cần giảm thiểu những vấn đề cao xa, lớn lao, thay vào đó cần kiên
trì bồi đắp lòng nhân ái, tính trung thực, lòng tự trọng, nếp nghĩ và lối sống
lành mạnh, trọng đạo lý, sống có kỷ luật. Muốn
giáo dục học sinh trong nhà trường đòi hỏi bản thân mỗi người giáo viên phải
không ngừng học hỏi về chuyên môn, có lòng yêu nghề, có vốn kinh nghiệm sống,
có lòng vị tha, bao dung và luôn gần gũi với học sinh để nắm bắt thông tin từ
đó giáo dục học sinh một cách kịp thời nhất.
Ở gia đình, các bậc phụ huynh nên dạy con cái biết
cách đối nhân xử thế, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác, dạy con lòng
khoan dung, sự độ lượng vị tha và những chuẩn mực, giá trị đạo đức mà con người
phải sống theo, dạy con điều hay lẽ phải. Nhưng để làm được điều đó, trước hết
cha mẹ phải là tấm gương cho con cái noi theo.
Xây dựng quy
chế, nguyên tắc, phương pháp tổ chức mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường, gia
đình, xã hội trong giáo dục đạo đức cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng. Sự
phối hợp này không chặt chẽ, thiếu thường xuyên sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng
giáo dục và đào tạo.
Để có sự phối
hợp tốt, đi vào thực chất bền vững, khâu then chốt là phải xây dựng quy tắc,
nội dung phối hợp. Nhà trường xây dựng quy định học sinh học trên tham gia các
hoạt động ngoại khóa, giữ gìn cơ sở vật chất nhà trường, môi trường xanh, sạch,
đẹp văn minh… Học sinh ở nhà, gia đình có những quy định học tập, lao động, vui
chơi, tham gia các hoạt động xã hội. Các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa
phương có quy định chăm lo giáo dục học sinh, tạo điều kiện cho các em được
tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, bảo vệ môi trường, chăm sóc bảo
vệ cây xanh nơi công cộng, giữ gìn an ninh trật tự.